Cách Tẩm Màn Phòng Muỗi Gây Bệnh Sốt Xuất Huyết Bằng Chế Phẩm Thuốc Diệt Muỗi

tẩm màn

Trong các biện pháp phòng chống bệnh do muỗi gây ra thì biện pháp tẩm mùng màn là rất cần thiết. Đặc biệt là đối với các vùng cao, vùng núi, nơi có chứa nhiều muỗi gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.

Nguyên lý, nguyên tắc của việc tẩm màn

Biện pháp tẩm màn nhằm ngăn cản những con muỗi trên đường bay vào đốt người, biện pháp này thiên về bảo vệ cá nhân hơn là bảo vệ cộng đồng. Tuy nhiên, những con muỗi sau khi tiếp xúc với màn tẩm hóa chất có thể bị chết nên không đi đốt người khác được, nên biện pháp này cũng có ý nghĩa bảo vệ cộng đồng.

 Bởi vì người sử dụng màn tẩm hóa chất diệt côn trùng hàng đêm ngủ ở màn phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trên màn nên các hóa chất được lựa chọn để tẩm màn phải có tiêu chuẩn về độ an toàn cao, không gây những tác dụng không mong muốn và không có mùi khó chịu. Cũng như phun tồn lưu trên tường, hóa chất để tẩm màn hiện nay ở hầu hết các nước được lựa chọn là các hóa chất nhôm pyrethroid.

Các nghiên cứu tẩm màn được tiến hành từ những năm 80 của thế kỷ trước. Theo nghiên cứu của Dariet và cộng sự (1987) tại Bukinafasio thấy rằng permethrin tẩm màn vừa có tác dụng diệt, vừa có tác dụng xua, với liều 0,08 g/m2 có tác dụng tồn lưu 5 tháng. Thử nghiệm với màn tẩm permethrin trên cả 3 miền đã rút ra nhận xét với các liều tẩm màn từ 0,08 đến 0,2 mg/m2 có tác dụng PCVT SR và thời gian tồn lưu từ 3 đến 6 tháng tùy theo địa phương (Vũ Thị Phan, 1992). Các nghiên cứu đánh giá hiệu lực PCSR của một số hóa chất tẩm màn ở Việt Nam như deltamethrin (peripel, Kothrin) từ 3 đến 6 tháng (Nguyễn Thọ Viễn, 1997), etofenprox (vectron) từ 5 đến 9 tháng (Nguyễn Đức Mạnh, 1997)… Tẩm màn permethrin 0,2g/m2 trên diện rộng, làm giảm đáng kể mật độ muỗi nói chung, giảm mật độ muỗi vào nhà (Lê Đình Công, 1996).

Một nhược điểm của màn tẩm hóa chất là dễ mất tác dụng sau khi giặt. Trước khi tẩm hóa chất, màn được giặt sạch sẽ nhưng trong quá trình sử dụng màn thường bị bẩn và người dân phải giặt màn trước khi hết tác dụng tồn lưu của hóa chất. Để khắc phục nhược điểm này, người ta đã nghĩ ra cách gắn hóa chất lên màn theo công nghệ riêng của từng hãng sản xuất màn thương phẩm. Các loại “màn tồn lưu lâu” (long lasting nets) đã được nghiên cứu, sản xuất, và được sử dụng tương đối rộng rãi, hiệu lực diệt tồn lưu của loại màn này có thể vẫn còn sau nhiều lần giặt. Điển hình có thể kể là các loại màn Olyset (hãng Sumitomo), Permanet (hãng vestergaard), Taranet (hãng Dawa)… Sử dụng màn tồn lưu lâu có thể giảm bớt được chi phí cho việc tổ chức tẩm màn hàng năm đồng thời cũng giảm bớt lượng hóa chất gây ô nhiễm đưa vào môi trường.

Cần chuẩn bị những gì trước khi tẩm màn

– Màn và các vật liệu như vải, khăn,… cần được giặt sạch và phơi khô trước khi tẩm hóa chất.

– Hóa chất đang được sử dụng để tẩm màn: ICON 2,5 CS hoặc Fendona 10SC

– Ống đong nhỏ (thể tích 50ml 100 ml) để đong hóa chất

– Ống đong lớn (thể tích 100 ml) để đong nước

– Chậu, xô chứa nước, gáo múc nước, nước sạch

– Găng tay cao su dài, quần áo bảo hộ lao động

– Khẩu trang kính mắt

Lượng hóa chất và lượng nước để pha dung dịch tẩm màn

Lượng hóa chất (ICON 2,5CS hoặc Fendona 10SC) và nước đủ tẩm cho 1m2 màn, 1 màn đơn (9 m2 ) 1 màn đôi (16,5 m2 ) là màn tuyn hoặc màn bông được trình bày trong các bảng dưới đây:

  • INCON 2,5 CS: nồng độ tẩm màn là 20 mg hoạt chất/m2

  • Fendona 10CS: nồng độ tẩm màn là 25 mg hoạt chất/m2

Chú ý:

– Nếu một màn tuyn và một màn sợi bông có kích thước như nhau thì lượng hóa chất (ICON 2,5 CS hoặc Fendona 10SC) cần để tẩm cho hai loại màn đó bằng nhau. Ví dụ: lượng ICON 2,5CS cần để tẩm 1 màn tuyn đôi 16,5 m2 hoặc 1 màn sợi bông đôi là 13,2 ml; lượng Fendona 10SC cần để tẩm 1 màn tuyn đôi 16,5 m2 hoặc 1 màn sợi bông đôi 16,5 m2 đều là 4,2 ml.

– Nếu một màn tuyn và một màn sợi bông có kích thước như nhau thì lượng nước cần để pha dung dịch tẩm màn sợi bông nhiều hơn lượng nước lượng nước cần để pha dung dịch màn tuyn. Ví dụ: lượng nước để phan dung dịch tẩm cho một màn tuyn đôi (16,5 m2) là 700 ml, trong khi đó lượng nước để pha dung dịch tẩm cho một màn sợi bông đôi (16,5 m2) là 1.000 ml.

– Đối với những màn không có diện tích chuẩn (9 m2 hoặc 16,5 m2), lấy lượng hóa chất và lượng nước dùng cho 1m2 nhân với diện tích màn cần tẩm sẽ ra lượng hóa chất và lượng nước cần dùng.

Mua thuốc diệt muỗi để tẩm màn tại đây

Hướng dẫn cách tẩm màn như sau:

1. Cách pha dung dịch tẩm màn

– Điều quan trọng cần chú ý trước khi đong hóa chất để pha dung dịch tẩm màn là lắc thật kỹ chai hóa chất.

– Pha dung dịch để tẩm cho 1 màn: Dựa vào diện tích của màn và loại màn (tuyn hoặc sợi bông) cần tẩm, tính toán lượng ICON 2,5CS hoặc Fendona 10SC và lượng nước cần thiết theo cách tính được trình bày trong các bảng trên. Ví dụ: đề tẩm một màn tuyn đơn 9 m2 với Fendona 10SC, đong 2,3 ml hóa chất cho vào 382 ml nuốc. Sau khi cho hóa chất vào thuốc, khuấy thật đều cho hóa chất tan hết trong nước.

– Pha dung dịch để tẩm cho 5 màn:

Khi số lượng màn cần tẩm nhiều, để giảm bớt thời gian đong hóa chất và nước, có thể pha một lần lượng dung dịch đủ tẩm cho 5 màn. Ví dụ: Pha dung dịch ICON 2,5CS để tẩm cho 5 màn đôi (16,5 m2 /màn), đong 66 ml ICON 2,5CS, cho vào 3,5 lít nước sạch nếu để tẩm cho 5 màn tuyn đôi, hoặc 5 lít nước sạch nếu để tẩm cho 5 màn sợi bông đôi, khuấy thật đều cho hóa chất tan hết trong nước. Sau đó lấy lượng dung dịch đã pha đủ để tẩm cho một màn cho vào một cái chậu khác để tẩm màn. Lượng dung dịch cần cho một màn tùy thuộc vào diện tích và loại màn (tuyn hay bông) như đã nêu trong bảng trên đây.

2. Cách tẩm màn:

– Một lần chỉ tẩm cho một chiếc màn

– Cho màn vào chậu đã có dung dịch hóa chất đủ tẩm cho chiếc màn đó. Nhổi màn thật kỹ sao cho dung dịch tẩm ngấm đều vào toàn bộ màn (nói cách khác, tất cả các vị trí trên màn đều ngấm dung dịch tẩm), và lượng dung dịch tẩm trong chậu được ngấm hết vào màn.

Xem video: cách tẩm màn phòng chống muỗi

3. Cách phơi màn sau khi tẩm:

– Trải màn nằm ngang trên nền nhà sạch, hoặc trên tấm ny lông, trên thảm cỏ sạch trong bóng mát.

– Không phơi màn trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

– Không phơi màn lên dây phơi, que phơi, hàng rào, khi màn chưa khô để tránh không cho dung dịch tẩy chảy dồn xuống phía dưới màn và có thể chảy ra khỏi màn

4. Chỉ dẫn an toàn và xử lý dụng cụ, hóa chất sau khi tẩm màn xong

  • Chai hóa chất luôn luôn được đậy kín, không để trẻ em đến gần nơi tẩm màn.
  • Việc làm màn cần tiến hành ở bên ngoài nhà, nơi thoáng gió để tránh hít phải hơi hóa chất.
  • Người tẩm màn phải đi găng tay cao su dài khi tẩm màn
  • Khi đang tiến hành tẩm màn không sờ tay có dính hóa chất vào da, nhất là sờ vào miệng, mặt
  • Người tẩm màn không ăn, uống, hút thuốc trong khi tẩm.
  • Khi tẩm màn xong cần tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng.
  • Sau khi kết thúc buổi tấm màn, cần rửa sạch các dụng cụ bằng xà phòng. Không đổ nước rửa dụng cụ xuống ao, hồ, sông, suối vì có thể gây chết cá và các loại sinh vật khác, mà đổ nước rửa dụng cụ vào hố cách xa nguồn nước và sau đó lấp kín bằng đất.
  • Vỏ chai đã hết hóa chất được thu hồi để mang về xử lý tại huyện hoặc tỉnh. Hình thức xử lý: đốt thiêu hủy hoặc chôn nơi thích hợp, không gây ô nhiễm môi trường. Tuyệt đối không sử dụng lại vỏ chai đựng hóa chất để đựng các đồ vật khác, nhất là đồ ăn uống.
  • Ở những vùng nuôi ong, tằm cần tiến hành tẩm màn xa nơi có ong, tằm. Sau khi tẩm màn, cần phơi khô màn rồi mới mang về nhà sử dụng, rửa kỹ tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc tằm.
0/5 (0 Reviews)