Hướng Dẫn Phun Muỗi Bằng Cách Phun Tồn Lưu

phun tồn lưu

Muỗi là loại côn trùng gây ra rất nhiều phiền toái, chúng gây ra các bệnh rất nguy hiểm như là sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não nhật bản. Vì vậy việc phun phòng chống muỗi định kì là điều rất cần thiết. Đặc biệt là đối với thời điểm giao mùa vào mùa mưa như hiện nay. Để có thể tiến hành phun phòng chống muỗi hiệu quả hôm nay chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn kĩ thuật phun tồn lưu như sau:

Nguyên lý và nguyên tắc của việc phun tồn lưu

Nguyên lý phun tồn lưu trên tường vách dựa trên khả năng gây độc cho muỗi bằng con đường tiếp xúc, bởi các đặc điểm sinh thái của các véc tơ như khi vào nhà tìm mồi có thời gian đầu rình mồi, hoặc một số loài có tập tính trú đậu tiêu máu trong nhà. Khi muỗi trú đậu trên tường vách, chân muỗi tiếp xúc với hóa chất chúng sẽ bị ngộ độc. Đa số muỗi đậu trên tường vách chỉ ở độ cao từ 2 mét trở xuống cho nên việc phun hóa chất cũng được chỉ định phun trên tường vách từ 2 mét trở xuống để tiết kiệm kinh phí nhưng vẫn đạt được hiệu quả. Trên thực tế, bề mặt tường vách được làm bằng các loại nguyên vật liệu khác nhau, những vật liệu nào càng giữ được hóa chất bám trên bề mặt lâu, ít bị thấm sâu vào trong, ít bị phân hủy bởi chất liệu làm tường vách thì càng phát huy được tác dụng của biện pháp phun tồn lưu.

 Hóa chất để phun chống muỗi đã được sử dụng từ những năm 1930 ở Nam Mỹ, Ấn Độ để bảo vệ người là pyrethrin. Từ khi Paul Herman Muller phát hiện DDT có khả năng diệt côn trùng rất mạnh (1939) và khi phun trên tường vách có khả năng tồn lưu lâu. Với các đặc điểm trên, DDT đã được sử dụng rộng rãi để phòng chống muỗi từ những năm 1950, và đây là biện pháp hữu hiệu để PCSR.

Biện pháp phun tồn lưu có tính chất bảo vệ cộng đồng cao bởi nó tiêu diệt những con muỗi nghỉ tạm rình mồi trên đường đi kiếm ăn hay sau khi đốt mồi và những con muỗi trú đậu tiêu máu trong nhà. Biện pháp này làm giảm mạnh mật độ muỗi ở vùng phun cho nên có tác dụng hạn chế lan truyền bệnh và rất hữu hiệu trong chống dịch.

Hiệu lực diệt tồn lưu của mỗi hóa chất dài hay ngắn phụ thuộc vào loại hóa chất, liều lượng phun, nguyên liệu bề mặt tường vách và điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, gió,… Các nghiên cứu thử nghiệm đã tìm ra các liều lượng tối ưu cho mỗi loại hóa chất để đảm bảo diệt véc tơ có hiệu quả đồng thời an toàn cho người, gia súc và ít ảnh hưởng đến môi trường cũng như để tiết kiệm hóa chất và kinh phí.

Chương trình quốc gia PCSR ở Việt Nam đã đưa vào thử nghiệm nhiều loại hóa chất để PCVT bằng phun tồn lưu thay cho DDT. Một số hóa chất nhóm pyrethroid đã được chọn và sử dụng để phun nhưng rộng rãi nhất là Lambdacyhalothrin (ICON), Alpha-cypermethrin (Fendona)…

 Lambda-cyhalothrin phun với liều 30mg/m2 có tác dụng tồn lưu từ 1 đến 9 tháng tùy theo loại tường vách và điều kiện môi trường. Với vách làm bằng tre, nứa, gỗ và ở điều kiện môi trường các tỉnh miền Bắc hiệu lực tồn lưu được 9 tháng còn ở miền Trung chỉ được 5-6 tháng. Với các loại tường gạch và đất nhìn chung hiệu lực tồn lưu dưới 1 tháng.

Alpha-cypermethrin phun với liều lượng 30mg/m2 có tác dụng diệt tồn lưu trên tường gỗ và gạch tới 6 tháng.

Chuẩn bị dụng cụ, vật tư, hóa chất trước khi phun

1 Trang phục bảo hộ

  • Quần áo bảo hộ lao động: 02 bộ
  • Khẩu trang: 02 cái
  • Ủng: 02 đôi
  • Kính mắt; 02 cái
  • Nón: 02 cái

2 Dụng cụ cần thiết

  • Bình phun bằng tay nén khí: 01 bình
  • Hóa chất diệt muỗi
  • Ống đong 100 ml: 01 cái
  • Bút bi: 02 cây  
  • Nước sạch.
  • Phễu lọc nước: 01 cái
  • Ca đong 1000 ml: 01 cái
  • Que khuấy: 01 cái

Các bước thực hiện phun tồn lưu như sau

Bước 1: pha dung dịch để phun

– Liều lượng: liều lượng hóa chất pha theo tỷ lệ quy định (liều lượng khuyên áo) của từng loại hóa chất sử dụng.

Ví dụ: hóa chất hiện nay đang được sử dụng để phun tồn lưu phòng chống muỗi sốt rét ở Việt Nam là Fendona 10SC, pha với liều lượng 60ml hóa chất Fendona 10SC trong 8 lít nước phun cho 200 m2 tường vách.

– Cách pha: lắc thật kỹ chai hóa chất, đong lượng hóa chất cho vào bình phun theo đúng liều lượng quy định, đổ nước sạch vào bình phun đúng với lượng nước quy định pha (nếu nước không thật sạch thì đổ vào bình phun qua phễu lọc để tránh tắc đầu vòi phun). Sau đó dùng que khuấy khuấy đều hóa chất với nước.

Bước 2: Tiến hành bơm nén khí cho bình phun

– Sau khi cho đủ lượng hóa chất và nước vào bình phun, đậy nắp bình phun lại.

– Đặt bình phun ở nơi bằng phẳng, đặt một chân lên bàn đạp, mở khóa ở ống bơm và sau đó bơm nén khí (bơm đều tay không quá nhanh và cũng không quá chậm).

– Nếu bình phun có đồng hồ đo áp lực thì bơm cho đến khi kim trên đồng hồ chi đến vạch 55 PSI (tương đương 0.38 Mpa hoặc 380 kPa). Nếu đồng hồ đo áp lực bị hỏng, tiến hành bơm khoảng 55 đến 60 lần thì dừng. Sau khi bơm nén khí xong, khóa cần bơm lại.

– Áp suất cần thiết phải duy trì trong bình trong khi phun giao động từ 25 PSI (tương đương 0,172 Mp3 hoặc 172 kPa) đến 55 PSI (tương đương 0,38 Mpa hoặc 180 kPa). Trên đồng hồ đo áp lực khoảng áp suất này được đánh dấu bằng vạch màu xanh. Trong quá trình phun thỉnh thoảng kiểm tra áp suất trên đồng hồ đo áp lực và bơm nén khí bổ sung để duy trì áp lực cần thiết trong bình.

Bước 3: Tiến hành phun hóa chất

Cách phun:

Người phun đứng đối diện trực tiếp với bề mặt phun. Nếu người phun thuận tay phải thì mang bình phun bên vai trái và dùng tay trái giữ bình phun, còn tay phải cầm vòi phun và điều khiển khóa đóng mở vòi phun. Nếu người phun thuận tay trái thì mang bình phun bên vai phải và dùng tay phải giữ bình phun, còn tay trái cầm vòi phun và điều khiển khóa đóng mở vòi phun.

 – Trong khi phun, đầu vòi phun luôn được giữ ở vị trí thẳng góc với bề mặt phun và khoảng cách đầu vòi phun đến bề mặt phụ là 45cm, thì chiều rộng của vệt dung dịch hóa chất phun trên bề mặt tường vách là 75cm.

– Thường bắt đầu phun từ phía dưới của tường vách và di chuyển dần lên phía trên cho đến độ cao 2m rồi di chuyền vệt phun xuống phía dưới, và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi phun hết bề mặt cần phun. Đường phun sau đè lên đường phun trước 5cm.

  – Nếu tường vách thấp thì phun cả lên mặt trong mái nhà cho đủ độ cao 2m. Nếu nhà sàn thì độ cao 2m tính từ mặt sàn (không tính từ mặt đất).

– Tốc độ thích hợp phun một vệt thẳng đứng có chiều cao 2m với thời gian 4,5giây

Xem thêm: dịch vụ phun muỗi tồn lưu lâu

Nơi phun:

– Phun mặt trong tường vách, mặt trong của mái nhà nếu tường vách thấp dưới 2m

– Phía sau tủ, gầm giường, gầm bàn, phía sau cánh cửa.

– Nếu là nhà sàn thì phun cả mặt dưới của sàn (gầm sàn)

– Phun chuồng gia súc và các công trình phụ.

B4. Bảo quản dụng cụ:

– Rửa bình phun bằng nước sạch sau khi phun. Không giữ lại dung dịch hóa chất trong bình sau khi đã phun xong. Sau khi rửa sạch, để bình phun ở tư thế lộn ngược, nắp bình phun mở ra và cần bơm nén khí được khóa lại (Hình 2).

– Thường xuyên kiểm tra bình bơm để phát hiện các vết nứt trên thân bơm nén khí (Ống Xy lanh), trên ống vòi phun. Thay thế các bộ phận đã mòn, hỏng.

– Đầu vòi phun bị mòn trong khi phun, vì vậy sau một thời gian sử dụng cần phải thay đầu vòi phun.

– Các dụng cụ khác sau khi làm xong được rửa sạch bằng nước với xà phòng, để khô và bảo quản các dụng cụ đó.

Một số lưu ý khi phun hóa chất bằng hình thức phun tồn lưu

– Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng trước khi phun.

– Không phun vào các dụng cụ chứa nước ăn, lương thực, thực phẩm. Có thể chuyển thức ăn, đồ uống ra khỏi nhà trước khi phun hoặc tập trung những vật dụng, đồ dùng cần bảo vệ vào giữa nhà và đậy kín bằng tấm ny lông.

– Trước khi phun cần di chuyển người và động vật (chó, mèo, trâu, bò,..) ra khỏi nhà và khỏi chuồng nuôi.

– Quản lý hóa chất chặt chẽ, không cho trẻ em đến gần nơi để hóa chất, không để hóa chất gần nơi để lương thực thực phẩm.

– Người phun phải mặc quần áo bảo hộ lao động, đi găng tay cao su, đeo khẩu trang, kính mắt, đi ủng, đội mũ.

– Khi đang phun không sờ tay có dính hóa chất vào da, nhất là sờ vào miệng, mắt. Trong trường hợp hóa chất gây vào da cần phải rửa bằng nước sạch và xà phòng., Nếu hóa chất gây vào mắt cần rửa bằng nước sạch nhiều lần.

– Người phun thuốc không ăn, uống, hút thuốc trong khi phun… Sau mỗi buổi phun, người phun thuốc cần tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng.

– Khi kết thúc buổi phun, rửa sạch dụng cụ bằng xà phòng. Không đổ nước rửa dụng cụ xuống ao, hồ, sông, suối vì có thể gây chết cá và các loài sinh vật… nước rửa dụng cụ vào hố đất cách xa nguồn nước, sau đó lấp kín.

– Vỏ chai thuốc diệt muỗi được thu hồi để mang về xử lý tại huyện hoặc tỉnh. Hình thức xử lý: đốt thiêu hủy hoặc chọn nơi thích hợp, không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không sử dụng lại vỏ chai đựng hóa chất để đựng các đồ vật khác, nhất là đồ ăn uống.

0/5 (0 Reviews)